06 CHIÊU LẬP MỤC TIÊU TỪ ZIG ZIGLAZ

Ai cũng đặt mục tiêu. Tuy nhiên, ít người biết cách đặt mục tiêu làm sao cho hiệu quả, cho thực tế, khả thi. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn sáu bước lập mục tiêu từ Zig Ziglar.

1. Cân bằng các mục tiêu của bạn. Hãy tìm tờ giấy viết ra mọi thứ bạn muốn có, muốn thành, muốn đạt. Xong xuôi, bạn cất nó qua một bên; rồi dăm ba bữa sau đó, bạn lấy nó ra, viết tiếp vào phía sau mỗi điều bạn muốn một câu mô tả lý do tại sao bạn muốn cái đó. Nếu không viết ra được trong một câu duy nhất lý do cho điều mình muốn, thì nghĩa là cái muốn đó của bạn không có tính cách thực tế trong lúc này. Bạn hãy gạch bỏ nó đi. Điều này sẽ giúp bạn giảm bớt được số lượng các mục tiêu thiếu thực tế bạn đặt ra trong lúc này. Điều này quan trọng, bởi bạn không thể nào có được mọi thứ bạn muốn ngay trong lúc này. 

2. Đánh giá các mục tiêu trong danh sách. Nhìn vào danh sách các điều muốn, mục tiêu bạn đã ghi ra, rồi tự hỏi mình, “Nếu bây giờ tôi có, tôi đạt, tôi thử làm tất cả những điều này, thì liệu tôi có trở nên hạnh phúc, khỏe mạnh, giàu có, an toàn, có thêm bạn tốt, có được gia đình như ý, và được bình an trong tâm hồn hay không?” Nói cách khác, đời bạn có trở nên tốt đẹp và cân bằng hơn không? Nếu câu trả lời là không, bạn cần gạch bỏ thêm một số điều nữa trong danh sách ấy.

3. Chia danh sách thành ba loại. Bạn hãy chia danh sách các mục tiêu ra theo thời hạn: các mục tiêu ngắn hạn có thể đạt trong vòng một tháng hay sớm hơn; các mục tiêu trung hạn có thể phải mất đến một năm mới đạt được; và các mục tiêu dài hạn đòi hỏi khoảng thời gian quá hơn một năm. Lúc này, coi lại danh sách và đảm bảo nó cân đối giữa ba loại: nghĩa là số lượng các mục tiêu trong mỗi thời hạn phải giống nhau. Nếu loại mục tiêu dài hạn có số lượng 10 điều trong lúc số lượng các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn mỗi loại chỉ có 2 điều, thì bạn phải loại bỏ bớt 8 điều trong loại mục tiêu dài hạn kia.

4. Đặt ra năm câu hỏi cốt yếu. Đối với từng mục tiêu trong danh sách, bạn hãy đọc lại và tự hỏi mình: (1) “Đây có thực sự là mục tiêu tôi muốn nhắm đến?” Bạn muốn có chiếc xe hơi đó vì nó cần thiết cho bạn, hay vì anh bạn láng giềng đã có một chiếc như thế? (2) “Về mặt đạo đức, điều tôi muốn có thích hợp và công bằng đối với mọi người liên quan?” Nếu bạn muốn một khẩu súng ngắn nhưng con gái bạn cần một cái kiềng răng, có thể bạn không thể cùng lúc có được hai thứ đó. (3) “Việc theo đuổi mục tiêu này giúp tôi tiến gần hơn đến – hay kéo tôi ra xa khỏi – mục đích chính yếu của tôi trong đời?” Chuyến đi câu biển cuối tuần này có thể thú vị, nhưng nếu ngày hôm đó bạn có cơ hội để lập kỷ lục về doanh số bán hàng, thì bạn phải cân nhắc chọn lựa giữa niềm vui thú nhất thời với phần thưởng lâu dài trong tương lai. (4) “Cảm xúc tôi có thực sự thúc giục tôi cam kết theo đuổi mục tiêu này không?” Chúng ta đưa ra các quyết định dựa trên các cảm xúc. Như thế, bạn cần hiểu rằng thái độ cam kết dựa vào cảm xúc cũng quan trọng không kém gì thái độ cam kết dựa vào lý trí suy luận. (5) “Với kế hoạch hành động này, liệu tôi có thể thấy trước được kết quả tôi sẽ đạt đến hay không?” Bạn có thể hình dung thấy ra được mình đang đứng ở đích đến của mục tiêu đó hay không? Điều rất quan trọng là việc bạn phải thực sự tin tưởng chính mình đến mức có thể thấy trước được kết quả tốt đẹp sẽ đạt được trong tương lai. Việc suy nghĩ và trả lời năm câu hỏi trên sẽ giúp bạn giảm thiểu đến mức tối đa số lượng mục tiêu trong danh sách, để bạn có thể đi bước kế tiếp.

5. Thử nghiệm mục tiêu. Hãy ghi lại lần nữa các mục tiêu của bạn, rồi nhìn vào từng mục tiêu và xem xét đây là những ích lợi của việc đạt đến mục tiêu đó. Kế đến, tự hỏi mình xem có những chướng ngại nào có thể sẽ cản trở bạn. Bạn có cách nào để vượt qua chúng? Hãy xác định cụ thể những người, những tổ chức, những nhóm người bạn cần phối hợp để đạt đến mục tiêu. Rồi hãy viết ra các kế hoạch hành động cụ thể – từ bước 1 đến bước 100 nếu cần – sẽ giúp đưa bạn đến nơi bạn muốn đến, đạt được điều bạn muốn đạt.

6. Đặt ra thời hạn. Nhiều người đặt thời hạn cho các mục tiêu của mình mà không xem xét những đòi hỏi của hoàn cảnh. Bạn cần đặt một thời hạn thực tế cho việc hoàn thành mục tiêu dựa vào các yếu tố bạn đã xác định ra ở bước thứ 5.

Về tiến trình đặt mục tiêu này, Ziglar khuyên rằng bạn nên tạo ra một danh sách cân bằng gồm những mục tiêu lớn và những mục tiêu nhỏ. “Có thể bạn không đạt được các mục tiêu lớn,” Ziglar giải thích, “nhưng bạn lại có thể thấy được chúng. Và điều này quan trọng, bởi vì các mục tiêu cao xa có thể giúp bạn vượt qua được sự thất vọng nhất thời. Việc hướng một mắt về mục tiêu cao xa có thể giúp bạn vượt qua được những trở ngại trước mắt.” 

Bạn cũng cần đặt ra một số mục tiêu bạn để hoàn thành hàng ngày, vì điều này sẽ giúp bạn có được cảm giác thành tựu suốt trong bước đường tiến đến các mục tiêu lâu dài khác. Tôi đề nghị bạn rằng cứ mỗi lúc cuối ngày, bạn nên dành chút thì giờ nhìn lại và ghi lại những điều bạn đã hoàn thành trong ngày hôm đó, rồi ghi ra luôn cảm tưởng của bạn, về việc bạn thấy điều mình đã làm được trong ngày đã tạo ra được một sự khác biệt nào trong bước đường bạn biến các ước mơ của mình thành hiện thực. Bạn sẽ dần loại bỏ được những suy nghĩ tiêu cực và thêm sức cam kết dấn thân cho cuộc theo đuổi các mục tiêu của mình cho đến lúc chúng thành tựu.

Để lại một bình luận